ĐỀN FUSHIMI INARI TAISHA – NGÔI ĐỀN NGÀN CỔNG ĐỘC ĐÁO TẠI KYOTO

Thứ sáu - 29/12/2023 23:52
Đền Fushimi Inari Taisha là một trong những điểm đến thú vị bậc nhất Kyoto – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, tôn giáo, kiến trúc và ẩm thực truyền thống của Nhật Bản. Ngôi đền này còn được biết đến trong bộ phim cực kỳ nổi tiếng ở “Đất nước mặt trời mọc” đó chính là Hồi ức của một Geisha.

ĐỀN FUSHIMI INARI TAISHA – NGÔI ĐỀN NGÀN CỔNG ĐỘC ĐÁO TẠI KYOTO



1.ĐÔI NÉT VỀ ĐỀN FUSHIMI INARI TAISHA

Đền Fushimi Inari (伏見稲荷大社, Fushimi Inari Taisha) – nằm tọa lạc tại Fukakusa, phường Fushimi, Thành phố Kyoto, tỉnh Kyoto là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới ghé thăm mỗi năm.

1.1.NGUỒN GỐC CỦA FUSHIMI INARI TAISHA

Theo tương truyền, đền Fushimi Inari Taisha được xây dựng vào ngày “Hatsuuma” năm 711, một năm sau khi thủ đô Heijo – kyo được di dời.

Khi đền Fushimi Inari Taisha bắt đầu được xây dựng đúng vào thời điểm cả nước đang phải chịu cảnh trĩu lòng mùa vụ thất bát do khí hậu trái mùa. Người xưa kể lại rằng “Hoàng tử Iroko – hata no Kimi”, người nhận được lệnh hoàng gia đã thờ phụng vị thần Inari trên núi Inari và một năm sau đó, đất nước trở nên phồn thịnh, mùa màng bội thu.

Cái tên “Inari” được cho là bắt nguồn từ một từ tiếng Nhật có ý nghĩa là “lúa mọc” hay còn một ý nghĩa khác đó là một vụ mùa bội thu. Đền Fushimi Inari Taisha được xem là ngôi đền thờ vị Thần hộ mệnh mang lại những phước lành như làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu và gia đình bình an. Nhờ tiếng lành vang xa, đền Fushimi Inari ngày càng được biết đến nhiều hơn, nhiều chủ doanh nghiệp và thương nhân Nhật Bản đã đến đây cầu nguyện cho công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió.

1.2.HẦU HẾT FUSHIMI INARI TAISHA ĐÃ BỊ THIÊU RỤI TRONG CHIẾN TRANH ONIN

Vào thời Heian (794 – 1185), đền Fushimi Inari Taisha được người Nhật ghé thăm nhiều hơn. Xếp hạng của ngôi đền bắt đầu tăng vọt và vào năm 927, đền được biết đến với danh hiệu là “Meijin Taisha”, thứ hạng cao nhất trong số khoảng 3.100 ngôi đền ở Nhật Bản.

Vào năm 1467, Chiến tranh Onin nổ ra và Kyoto đã bị ảnh hưởng nặng nề, Fushimi Inari Taisha cũng bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng. Các tu sĩ Thần đạo thời đó đều đứng về quân đội phía Đông, vị tướng quân đội Honekawa Doken đã chấp thuận cho việc sử dụng núi Inari làm quân trại. Kết quả là phần lớn tòa nhà thờ của đền Fushimi Inari Taisha đều bị thiêu rụi.

1.3.FUSHIMI INARI TAISHA TRONG QUÁ TRÌNH PHỤC DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Khu đền chính đã bị thiêu rụi trong Chiến tranh Onin nhưng đã được phục dựng lại vào năm 1499.

Trong thời kỳ Duy Tân Minh Trị, chính phủ phát động tịch thu ruộng đồng và đất đai của người dân và đền Fushimi Inari cũng không ngoại lệ. Năm 1868, chứng kiến phong trào bãi bỏ Phật giáo và chùa Aizenji – nơi quản lý Fushimi Inari Taisha cũng bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đàm phán với chính quyền Minh Trị, một phần lãnh thổ của ngôi đền cũ đã được thu hồi vào năm 1902. Vào năm 1909, tòa nhà chính của ngôi đền Fushimi Inari Taisha đã được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng. Năm 1962, toàn bộ địa điểm ban đầu đã được khôi phục và năm 2011 là kỷ niệm tròn 1.300 năm thành lập đền. Mặc dù có nhiều tòa đã được xây dựng lại nhưng nơi đây vẫn có sức hút vô vùng đặc biệt đối với những du khách đến tham quan.

2.ĐIỂM THAM QUAN NỔI BẬT Ở ĐỀN FUSHIMI INARI TAISHA

Fushimi Inari Taisha hiện là điểm đến thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Kyoto và là nơi có nhiều tài sản văn hóa quan trọng, các điểm đến thú vị không thể bỏ qua.

2.1.SENBON TORII



Khi đến với đền Fushimi Inari Taisha, du khách không thể bỏ lỡ “Senbon – torii” đây là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của khu đền. Những cánh cổng torii màu đỏ son chạy dọc các lối đi từ tòa chính điện lên đỉnh núi Inari tạo nên một đường hầm kéo dài vô tận.
 
Màu của cổng torii trong tiếng Nhật là 朱色(shuiro), từ “朱” có nghĩa là đỏ. Màu đỏ là màu của mặt trời thể hiện cho niềm tin và hy vọng cũng như sức mạnh của sự sống. Bước vào đường hầm Senbon – torii, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp bởi một thế giới màu đỏ son trải dài trước mắt.

“Hàng nghìn cổng Torii” ở đền Fushimi Inari Taisha, hầu hết là do các cá nhân hoặc doanh nghiệp quyên tặng, tên và ngày tháng được khắc ở mặt sau của mỗi cổng.

Bạn có muốn để lại dấu ấn đặc biệt ở đền Fushimi Inari Taisha không? Nếu có, bạn có thể quyên tặng cổng Torii bắt đầu vào khoảng 400.000 Yên (chỉ hơn 3.500 USD). Cánh cổng lớn nhất được quyên góp với số tiền hơn một triệu Yên (gần 9.000 USD). Ngoài ra, bạn còn có thể mua những cánh cổng nhỏ tại các quầy hàng dọc hai bên đường với giá 2.500 Yên, tương đương khoảng 22 USD.

Bạn sẽ mất khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ để đi bộ lên đỉnh núi Inari. Các con đường mòn được đánh dấu rõ ràng nhưng bạn có thể sử dụng bản đồ được chú thích ở bên đường. Dọc theo con đường mòn du khách sẽ bắt gặp nhiều ngôi đền nhỏ và một số cửa hàng phục vụ các món ăn địa phương như Inari Suhi và Kitsune Udon (Fox Udon), cả hai đều có các miếng aburaage (đậu phụ chiên) được cho là món ăn yêu thích của loài cáo.

Sau khoảng thời gian khoảng 30 đến 45 phút, mật độ cổng torii bắt đầu giảm dần. Du khách sẽ bắt gặp giao lộ Yotsutsuji, ở lưng chừng núi, toàn bộ Kyoto trải dài trước mắt bạn trong như một bức tranh toàn cảnh rất ngoạn mục.

2.2.KHU VỰC ĐỀN CHÍNH



Đến với đền Fushimi Inari Taisha, bạn sẽ đi bộ ngang qua một cánh cổng torii khổng lồ ở lối vào đền thờ. Tiếp theo, bạn sẽ bắt gặp cổng Roman xuất hiện ngay sau đó. Cổng này được Toyotomi Hideyoshi xây dựng vào năm 1589. Khi mẹ của Hideyoshi, Oomandokoro bị bệnh ông đã đến cầu nguyện tại đền Fushimi Inari Taisha rằng “Ông nguyện sẽ quyên góp 10.000 cổng cho ngôi đền nếu mẹ ông khỏi bệnh”. Đây là cổng lớn và đồ sộ nhất trong đền Fushimi Inari Taisha, được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng. Phía trước có một cặp tượng cáo chào đón du khách đóng vai trò người giám hộ cho khu đền.



Trong tôn giáo Shinto, cáo được xem là sứ giả của Thần Inari nên du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hàng trăm tượng cáo xuất hiện trong khuôn viên đền. Những con cáo này luôn giữ trong miệng một vật phẩm tượng trưng, thường là chìa khóa hoặc một cuộn giấy. Mỗi một vật phẩm đại diện cho một điều phước lành. Chìa khóa đại diện cho khả năng những con cáo này phải mở khóa một vựa lúa, cuộn giấy mang ý nghĩa của sự khôn ngoan. Ngoài những vật phẩm trên còn có cây tre mang ý nghĩa vụ mùa bội thu và một quả cầu tượng trưng cho sức mạnh tâm linh.

Đền chính thờ Thần Inari – Daimyojin người chịu trách nhiệm cho một mùa màng bội thu. Chính điện là công trình kiến trúc tuyệt đẹp mang tinh thần của thời kỳ Azuchi – Momoyama. Giống như cổng Senbon – torii, khu đền chính này được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng.



Phía sau nơi thờ Okusha du khách sẽ bắt gặp một khu vực được gọi là “Oku no in”. Tại đây có cặp đèn đá và phía trên có hòn “đá nặng – nhẹ” (Omokaru ishi).

Người dân địa phương truyền tai nhau rằng, những viên đá này được dùng để kiểm tra xem mong muốn, thỉnh cầu của một người có thực hiện được hay không.

Bạn hãy tiến đến cặp đèn đá và nghĩ đến điều mình mong muốn để cầu khấn (nội dung mong muốn có thể được trả lời có hoặc không), sau đó dùng hay tay để nâng đèn lên.

Nếu như bạn cảm thấy hòn đá nhẹ hơn mình dự định thì lời khấn nguyện sẽ thành công, nếu ngược lại thì sẽ là thất bại. Người dân nói với nhau rằng phàm là người mang ác nghiệp thì có dùng sức như thế nào đi nữa cũng không thể nâng hòn đá lên được.

3.THỜI GIAN VÀ PHÍ VÀO CỔNG

Phí vào cổng: miễn phí.

Đền Fushimi Inari mở cửa mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ vào mọi khung giờ trong ngày. Vì ngôi đền không đóng cửa nên bạn có thể đi bộ trên con đường mòn vào ban đêm. Hãy nhớ mang theo đèn pin và mặc ấm vào mùa xuân, thu và đông vì thời tiết rất lạnh!

4.CÁCH DI CHUYỂN ĐẾN ĐỀN FUSHIMI INARI TAISHA

Fushimi Inari nằm ở phía Nam Kyoto, ngay bên ngoài ga JR Inari. Từ ga Kyoto, du khách hãy đi Tuyến JR Nara. Ga Inari là ga thứ hai dọc tuyến này và chuyến hành trình sẽ mất khoảng 5 phút di chuyển.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đến đây từ ga Fushimi – Inari trên tuyến chính Keihan, nhưng nó nằm xa hơn một chút so với lối vào đền Fushimi – Inari và không thể sử dụng thẻ JR Pass.

Di chuyển từ Osaka đến Fushimi Inari

Nếu bạn muốn ghé thăm Fushimi Inari từ Osaka, bạn có thể đi tàu Shinkansen ở Shin – Osaka đến ga Kyoto trên tuyến Tokaido Shinkansen và từ đó đi bằng tuyến JR Nara đến ga Inari.

Di chuyển từ Nara đến Fushimi Inari

Vì ga JR Inari nằm trên tuyến JR Nara nên bạn có thể đến Fushimi Inari từ ga JR Nara. Đây là chuyến đi thẳng sẽ mất ít hơn 1 giờ đi ngang qua ga Uji.

Bài viết trên gửi đến Quý khách hàng những thông tin hữu ích về điểm đến Fushimi Inari Taisha ở Kyoto!

Hiện tại, Univiet Travel đang có lịch khởi hành cho chương trình Tour “Nhật Bản – Cung đường cổ tích” trọn gói 6N5Đ với những điểm đến hấp dẫn, độc đáo không thể bỏ qua. Hãy nhanh tay liên hệ với Univiet Travel để chinh phục chuyến hành trình thú vị và nhận được những ưu đãi hấp dẫn!

Kính mời Quý khách hàng tham khảo chương trình chi tiết tại đây.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn