Được biết đến như một địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ người Việt Nam mà tất cả du khách các nước trên thế giới đều mong ước được một lần đặt chân đến hòn đảo được mênh danh là "địa ngục trần gian" nhưng linh thiêng và kỳ bí này. Nếu chưa một lần đến Côn Đảo, khi nghe hai từ "Côn Đảo" sẽ có cảm giác rất nặng nề bởi ngục tù đày ải và xa xôi. Nhưng khi đặt chân đến, Côn Đảo bạn hoàn toàn bị mê hoặc và gắn kết với hòn đảo xinh đẹp này.
Toàn cảnh Côn Đảo từ trên cao
Côn Đảo ngày nay thu hút du khách theo các xu hướng du lịch khác nhau khi đến đây, với khách phương tây thì đó là sự tò mò và thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và đa phần đều rất ngạc nhiên về sự "hoành tráng" của những công trình nhà tù dưới chế độ thực dân và phấn khích trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Côn Đảo.
Côn Đảo hoang sơ thế này khiến ai cũng muốn một lần được đến đây
Đối với du khách Việt Nam khi đến Côn Đảo đa phần mang tâm thế của sự tôn sùng và ngưỡng mộ cùng lòng tôn kính vô biên với những lớp người đi trước với một số khách đó không chỉ là một chuyến du lịch đơn thuần chỉ để nghỉ dưỡng mà còn là nơi họ gửi gắm những tâm tư nguyện vọng những mong ước thầm kín mà họ tin rằng sự linh thiêng của hòn đảo này sẽ chứng thực cho tấm lòng thành của họ.
Côn Đảo về đêm luôn lãng mạn và thanh bình
Nơi yên nghỉ của Thứ phi Hoàng Phi Yến
Trong quá trình xây mộng đồ vương của mình chúa Nguyễn Phúc Ánh người được cho rằng đã từng đặt chân đến Côn Đảo để tránh sự truy kích của nhà Tây Sơn, người mà sau này đã xây dựng nên một vương triều nhà Nguyễn cực thịnh một thời của lịch sử dân tộc Việt Nam.
An Sơn miếu – Nơi thờ Thứ phi và cũng là ngôi miếu duy nhất tại Côn Đảo
Tuy nhiên trong quá trình rút quân ông đã để lại một dấu ấn bi thương trên vùng đất Côn Đảo với một câu chuyện không thể đau xót hơn về người thứ phi của mình. Chỉ vì khuyên ngăn chồng không nên cầu viện bên ngoài Thứ phi Hoàng Phi Yến đã bị chúa Nguyễn Ánh giam cầm vào một hang đá tại Côn Đảo. Tiếp theo đó ông đã đan tâm ném cả Hoàng tử Cải (con trai của hai người) xuống biển bởi hoàng tử liên tục khóc đời mẹ.
Tượng Thứ phi Hoàng Phi Yến được người dân khắc họa lại
Tương truyền, xác hòang tử trôi tấp vào làng Cỏ Ống. Về phần bà Phi Yến đã được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ, biết bà đau buồn vì cái chết của hoàng tử, chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống nơi có nấm mộ hoàng tử Hội An. Dân làng Cỏ Ống hay tin đã dựng cho bà một ngôi nhà ở gần đó để tiện bề lui tới bên nấm mộ của con trai mình.
Ngôi mộ Hoàng tử Cải tại làng Cỏ Ống ngày nay
Tháng 10 (Âm Lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.
Thứ phi Hoàng Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải, dân làng đã lo việc an táng và lập miếu thờ bà - người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt” mang tên An Sơn Miếu. Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 10 (Âm Lịch), người dân Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ bà rất long trọng và thường là làm cỗ chay để tưởng nhớ cũng vì một hội làm chay mà bà phải bỏ mình.
Lễ giỗ Thứ phi Hoàng Phi Yến luôn được tổ chức long trọng và trang nghiêm
mỗi năm và ngày 10 tháng 10 âm lịch
Trong tâm khảm của người dân nơi hải đảo xa xôi bà là hiện thân của sự anh minh bởi dám nói lên cái tâm tư nguyện vọng của mình dù biết rằng chính những lời nói đó sẽ đem lại cho bà sự khổ đau thậm chí là cái chết từ chúa Nguyễn Ánh.
Liệt Nữ Anh Hùng Võ Thị Sáu
Lịch sử cứ tiếp nối mạch suối nguồn để rồi 170 năm sau 07 giờ sáng ngày 23/01/1952 Võ Thị Sáu người con gái của quê hương đất đỏ anh hùng đã hiến dâng cuộc đời mình cho lí tưởng tự do. Chị Sáu chết khi mới 19 tuổi, tài sản riêng của chị chỉ có 2 bộ quần áo và tình yêu Tổ quốc. Chị đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho tình yêu ấy.
Bức tranh vẽ tái hiện giờ phút chị Sáu ra pháp trường
Huyền thoại về sự linh thiêng của liệt nữ trăng tròn ấy đã làm khiếp sợ biết bao tên cướp nước và thiếu tá quân đội Sài Gòn Tăng Tư phải lén lút lập bàn thờ bài vị và bia đá cẩm thạch để phụng thờ như một nữ thần hộ mệnh cho sự nghiệp chính trị của mình.
Ngày nay du lịch Côn Đảo du khách sẽ được đến Nghĩa Trang Hàng Dương để thắp hương cho những chiến sĩ đã mãi nằm lại Côn Đảo và trong đó mộ chị Sáu là ngôi mộ được đông người đến viếng và thắp hương nhất.
Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng
Mộ chị Sáu lúc nào cũng khói hương nghi ngút, hoa tươi xếp đầy trên mộ, trên đỉnh mộ chị một chiếc áo lụa, một khăn quàng cổ, một vòng đeo cổ ngọc trai. Khách đến viếng có những người còn mang theo những món quà tặng riêng cho chị và các nhà chức trách tại Côn Đảo đã phải xây riêng cả một nhà lưu niệm để cất giữ những món qùa kỉ niệm này.
Mộ chị Võ Thị Sáu
Đó là một ngôi nhà ba gian có mấy tủ áo dài đủ kiểu, đủ màu, một tủ và mấy bàn bày các đồ trang sức, mới nhìn giống như một quầy hàng phong phú, đa dạng, cái nào cũng đẹp. Không chỉ có du khách góp vào mà cả những người dân Côn Đảo vẫn hay mang quà đến tặng chị, như thế mới thấy mọi người yêu chị Võ Thị Sáu như thế nào.
Nhà tưởng niệm chị Võ Thị Sáu tại Côn Đảo
Đến nay chị Sáu đã mất 59 năm. Nhưng về phương diện tâm linh, chị Sáu vẫn đang sống cùng dân Côn Đảo. Dân Côn Đảo quý trọng chị Sáu đến mức độ, lâu nay có điều gì khúc mắc ân oán trong lòng đều đem trời đất, quỷ thần ra thề, bây giờ thì gọi chị Sáu:
- Thề có cô Sáu chứng giám.
Làm sao không tin được vì ngày xưa tấm bia cho chị Sáu hôm nay dựng lên bị đập tan thì ngày mai lại xuất hiện đúng chỗ đó một tấm bia mới. Dân có điều gì đến mộ chị thắp hương vái lạy, đều toại nguyện. Cứ giả thử những điều cầu xin ấy không được toại nguyện thì những người dân biển rất thực tế này liệu có đến cúng vái bên mộ chị Sáu nữa không. Ngược lại, người đến cầu xin ngày một đông. Đủ biết niềm kính yêu thiêng liêng ấy nói lên điều gì.
Với người dân Côn Đảo, nói đến chị Sáu đó là sự linh thiêng, quý trọng
Có thế chính vì thế đến Côn Đảo không chỉ có du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên mà còn là nơi của du lịch tâm linh bởi chính sự hiện diện của chị Sáu nơi đây.
Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo – Địa ngục trần gian
Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo - "địa ngục trần gian". Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.
Nhà tù Côn Đảo trước đây mang tên là Trại Phú Hải
Cùng với Nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.
Nhà tù Côn Đảo còn có đầy đủ các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.
Nơi đây đã chứa biết bao tội lỗi của chính quyền Mỹ ngụy ngày trước
Nơi đây nổi tiếng với "chuồng cọp", được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 mét vuông gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng "tắm nắng" không có mái che.
Khu phòng tắm nắng là nơi để thực dân giam giữ tù nhân giữa bốn bức tường đá, được bọc dây thép gai. Không chỉ bị tra tấn, họ còn bị lột trần quần áo, phơi nắng phơi sương cho đến chết.
Dù chỉ là tái dựng nhưng cũng đủ bất cứ ai rùng mình trước sự dã man này
Bên trên các phòng giam là hệ thống song sắt dày đặc với lối đi dành cho các cai ngục giúp chúng dễ dàng quan sát, kiểm soát mọi động tĩnh bên dưới.
Mỗi khi có dấu hiệu phản đối từ các chiến sĩ, những tên cai ngục sẽ dùng gậy tra tấn từ bên trên
Dù đã trải qua hơn 40 năm từ khi bị phơi ra ánh sáng nhưng Nhà tù Côn Đảo và cả Nhà lao Cây dừa tại Phú Quốc vẫn khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ bởi những chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn.
Năm 2013, Nhà tù Công Đảo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hòn Tài
Hệ sinh thái dưới biển của Hòn Tài là bức tranh phong phú đầy màu sắc của san hô hòa mình với những loại sinh vật biển ẩn dưới nắng xuyên qua làn nước trong xanh.
Vẻ đẹp thiên nhiên tại Hòn Tài, Côn Đảo
Đến với Hòn Tài, du khách còn có thể thấy sóc mun – loại sóc đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo, kỳ đà, tắc kè… và nhiều loài chim biển, gầm ghì trắng – một loại chim quý hiếm thuộc họ bồ câu, khỉ mặt đỏ – giống khỉ quý đang được nuôi tại Hòn Tài.
Sóc mun tại Hòn Tài Côn Đảo
Hòn Bảy Cạnh
Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Đi tàu từ đảo Côn Đảo ra Hòn Bảy Cạnh mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, với hệ động, thực vật rất phong phú.
Hòn Bảy Cạnh nổi tiếng là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam.
Mỗi năm có đến hàng trăm cá thể rùa con được sinh ra tại đây
Đến với Hòn Bảy Cạnh, du khách sẽ có cơ khám phá sinh thái rừng ngập mặn và bơi lặn ngắm san hô. San hô ở đây rất đa dạng về chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối đều thuộc sách đỏ của Việt Nam.
Hòn Bảy Cạnh còn nổi tiếng bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đây phong phú
Cua xe tăng – một sinh vật đang được bảo vệ tại Hòn Bảy Cạnh này
Hòn Cau
Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hơn nữa đây còn là một di tích lịch sử, nơi thực dân Pháp, Mỹ giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước, trong đó có cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khung cảnh nên thơ của Hòn Cau
Hòn Cau là nơi duy nhất trong số các đảo ngoài khơi trong quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Hòn Cau cũng là nơi quan trọng cho công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm như: rùa biển, yến sào.
Lặn ngắm san hô là một hoạt động được yêu thích tại Hòn Cau
Đến với hòn Cau du khách có thể tìm hiểu nhiều hệ sinh thái kỳ thú và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.
Hòn Tre Lớn
Nếu bạn muốn xem san hô thì Hòn Tre Lớn là nơi lý tưởng nhất, vì san hô ở đây rất đẹp và phong phú chủng loại. Ở đây bạn còn được xem bãi cát nơi rùa biển đẻ trứng, nghỉ ngơi thư giãn và tắm biển.
Vẻ đẹp của Hòn Tre lớn đã thu hút biết bao du khách đến đây
Vịnh Đầm Tre
Vịnh Đầm Tre nằm phía Đông Bắc của đảo Côn Sơn, cách trung tâm Vườn quốc gia Côn Đảo 16 km.
Vịnh Đầm Tre là một điểm du lịch hoang dã với cảnh quan tự nhiên, kín gió.
Tại đây, du khách có thể tham quan rừng ngập mặn, bơi lặn ngắm san hô, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác… Trên đường đi, du khách sẽ được ngắm cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, mũi Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc…
Nếu đã từng đến Phú Quốc ngắm cảnh bình minh tại Làng chài cổ Hàm Ninh và mê mẩn trước vẻ đẹp nơi đây thì Côn Đảo lại một lần nữa làm biết bao du khách ngất ngây với khung cảnh hoàng hôn thanh bình.
Đừng quên lưu lại những khỏanh khắc hoàng hôn trên Côn Đảo bởi
đó là một trong những thời khắc đẹp nhất nơi đây
Bãi biển Đầm Trầu
Bãi biển này cách thị trấn Côn Sơn 15 km, là bãi tắm đẹp nhất. Xa xa, trên một triền đá vươn ra tận biển nổi lên hai tảng đá lớn, chụm đầu vào nhau như đôi bạn đang trò chuyện.
Nước biển ở đây trong và xanh hơn bất cứ nơi nào.
Màu xanh thăm thẳm của trời, màu xanh bất tận của cánh rừng đổ bóng, hòa với màu xanh trong của biển. Ở đây cũng có dịch vụ lặn ngắm biển thú vị.
Chùa Núi Một
Chùa Núi Một, ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam. Chùa tựa lưng vào núi và nhìn xuống đầm sen rộng mát.
Kiến trúc của chùa thoáng đáng, yên bình.
Thời gian du lịch Côn Đảo lý tưởng
Từ tháng 10 đến hết tháng 2 là thời gian biển động, chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo thường rất đắt đỏ do tàu bè chuyên chở hàng hóa không thể ra đảo. Phương tiện đến Côn Đảo thời gian này tốt nhất là bằng máy bay.
Hãy cân nhắc trong thời điểm du lịch Côn Đảo để có được một kì nghỉ tuyệt vời
Tháng 3 – tháng 9 là thời gian biển êm, mặc dầu là mùa mưa nhưng các trận mưa ở Côn Đảo không quá 1 giờ đồng hồ, sau đó có ánh nắng chan hòa. Phương tiện đến Côn Đảo thời gian này có thể bằng máy bay hoặc bằng tàu.
Ăn gì ở Côn Đảo?
1. Ốc vú nàng
Đặc sản hấp dẫn nhất không nên bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo mang cái tên khá “nhạy cảm” là Ốc vú nàng. Loại ốc này có thể nướng, luộc, ăn gỏi đều ngon tuyệt hảo.
Ốc Vú nàng là món đặc sản phổ biến nhất vì có mặt quanh năm ở Côn Đảo.
So với ốc vú nàng ở biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), biển Đại Lãnh (Khánh Hòa), ốc vú nàng Côn Đảo là to hơn, lại có quanh năm và nhiều nhất vào những
ngày trăng tròn.
Ốc vú nàng nướng hay trộn gỏi đều là những món bạn phải thử khi đến Côn Đảo
2. Cua mặt trăng
Một loại cua được xếp vào hàng "đệ nhất cua" bởi thịt rất ngon và bề ngoài rất ấn tượng trên cái mai của nó có những vòng tròn như vòng nhật nguyệt màu trắng nên được gọi là cua mặt trăng.
Đây là một đặc sản thứ hai nổi tiếng tại vùng đất Côn Đảo này.
Các món chế biến quen thuộc như cua hấp, hay xào chua ngọt rất được ưa chuộng
3. Tôm hùm đỏ
Còn gọi là tôm hùm lửa. Tôm hùm đỏ sinh trưởng rất chậm và không to lớn bằng các loại tôm hùm khác và đặc biệt không nuôi được tại các bè tôm hùm mà chỉ có thể đánh bắt được từ thiên nhiên.
Có thể vì điều này mà tôm hùm đỏ được xem là vua hải sản ở Côn Đảo.
Thịt tôm hùm đỏ rất dai, ngọt và săn chắc, đã vậy loài tôm này còn có thêm lớp gạch “cực chất” ở bên trong. Gạch đóng thành một dọc vàng ươm ở sống lưng con tôm và một mảng lớn đóng nơi đầu tôm, ăn gạch tôm hùm rất ngon và bổ.
Đặc biệt vào mùa đông lớp gạch tôm hùm đỏ dày và nhiều lên.
Một lần thưởng thức tôm hùm đỏ thật khó để có thể quên.
4. Sá sùng (còn được gọi là giun biển, địa sâm)
Sá sùng là một trong những loại hải sản quý hiếm rất khó đánh bắt, nó chỉ xuất hiện nhiều vào đầu tháng 3 cho đến tháng 7 hàng năm và ngày rằm từ xa xưa nó đã được xem là món quý hiếm chỉ dùng làm cống phẩm cho vua, quan.
Cận cảnh đặc sản Sá sùng tại Côn Đảo
Do đó du khách khi đã đến Côn Đảo không nên bỏ qua món đặc sản này, có thể chế biến sá sùng thành nhiều món ngon như nấu cháo, nấu canh, nướng vàng, xào với mướp hương, chiên giòn, làm gỏi...nhưng ngon nhất vẫn là món nướng chấm tương ớt, muối tiêu chanh.
Thịt sá sùng nướng vừa giòn, mềm lại dai dai, béo bùi và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Chính sự ngọt thơm từ sá sùng đã làm món canh sá sung hấp dẫn biết bao người
5. Thiên đường mắm nhum, mắm hàu
Nhum, hàu là hai món hải sản quá quen thuộc với bất cứ ai mê hải sản nhưng bạn có biết từ hai loại hải sản này người dân Côn Đảo đã biến chúng thành loại mắm hiếm có và đặc trưng của hỏn đảo này.
Mắm nhum thường được dùng chấm các món luộc hoặc các món cuốn.
Người dân ở đây ưu ái gọi là mắm quý tộc, bởi chúng hiếm và rất khó tìm, được làm từ con nhum (nhím biển) rất công phu, có màu đỏ, thơm lừng, sóng sánh màu hổ phách.
Được làm từ con hàu biển, khi ăn có vị thơm nồng, mắm hàu là món nước chấm không thể thiếu đối với người dân Côn Đảo.
Những chú hàu này lại chính là nguyên liệu chính làm nên nước chấm hàu nổi tiếng của Côn Đảo
6. Mứt hạt bàng lạ miệng
Đây là một món ăn độc đáo làm từ hạt của cây bàng tại Côn Đảo, đặc sản mà khi nhắc về Côn Đảo mọi người đều nghĩ đến ngay lập tức và không sao quên được mùi vị thơm thơm, béo béo, giòn giòn của món ăn này.
Những trái bàng này lại chính là đặc sản của Côn Đảo mà ai ai cũng đều biết
Để có thể chế biến được một món ăn này, người dân trên đảo thường hái những quả bàng chín, mang về phơi khô rồi tách lấy nhân bên trong. Nhân hạt bàng thường được làm sạch, rang lên cho vừa chín, rồi đem chế biến theo hai cách hạt bàng rang muối và hạt bàng rang đường.
Mùi vị béo béo, bùi bùi của hạt bàng sẽ mang đến cho bạn một hương vị lạ miệng nhưng lại rất ngon
Giá mứt hạt bàng khá cao vào khoảng 45.000 – 50.000 1 hũ hoặc bịt khoảng chừng 200g, có những lúc trái mùa thời tiết khắc nhiệt, giá mứt hạt bàng có thể tăng cao khoảng 400.000 – 500.000/kí.
Thành phẩm mứt hạt bàng rang muối đây
Bạn có thể mua hạt bàng tại chợ Côn Đảo. Tại đây, bạn sẽ được mời dùng thử, để lựa chọn loại hạt bàng rang muối, hay rang với đường. Hạt bàng rang với muối sẽ giữ được mùi vị của hạt bàng hơn.
Không quá khó để có thể mua món mứt độc đáo này làm quà cho mọi người nhỉ???
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người khi đã thử qua món ăn này thì đa số đều thích ăn với đường hơn, vì khi ngậm cho tan hết lớp đường trên hạt, rồi cắn vào phần béo béo, bùi bùi của miếng hạt bàng, bạn sẽ cảm thấy một hương vị hơi là lạ mà lại rất ngon.
Những điều thú vị không thể bỏ qua khi đến Côn Đảo
Lặn biển ngắm san hô
Cùng với Phú Quốc, Côn Đảo là nơi hội tụ các dải san hô với mật độ cao bậc nhất Việt Nam, nơi lý tưởng để khám phá thế giới đại dương kỳ thú.
Giá cho một tour lặn biển có bao gồm các dụng cụ cần thiết từ 500.000 VND/người trở lên.
Tại những địa điểm lặn đã được thăm dò trước, du khách sẽ được hướng dẫn các thao tác cơ bản và lặn cùng với chính người hướng dẫn. Du khách có thể liên hệ với Côn Đảo Explorer, Rainbow hoặc hỏi các khách sạn về nơi cung cấp tour lặn biển.
Bạn còn có thể ngắm nhìn, quan sát các loài động vật biển tại nơi đây
Câu cá biển Đông
Vùng biển Côn Đảo nằm trong biển Đông rất dồi dào các loại hải sản, hứa hẹn một chuyến ra khơi đầy thú vị đối với các câu thủ.
Bắt đầu buổi đi câu thú vị nào!
Đặc biệt, một số du khách tự thử thách lòng can đảm với thú câu cá mập. Địa điểm lý tưởng nhất chính là bãi Nhát, nằm trên đỉnh Tình Yêu nổi tiếng của Côn Đảo.
Thành quả thế này cũng vui rồi đúng không mọi người?
Theo lời những “chuyên gia” câu cá mập là dân đảo cho biết, thời điểm đi câu cá mập thích hợp nhất là khi màn đêm buông xuống, còn cá to hay nhỏ, nhiều hay ít còn phụ thuộc và thời tiết và con nước.
Tham quan rừng Ông Đụng – Vườn quốc gia Côn Đảo
Khám phá Vườn quốc gia Côn Đảo bằng cách tản bộ một khoảng ngắn xuyên qua rừng nhiệt đới, đến bãi biển Ông Đụng ở bờ bên kia của đảo.
Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi cư trú của khoảng 285 loài thực vật, nhiều loài đặc trưng cho rừng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam và hơn 100 loài chim, thú có vú đặc hữu như sóc mun, chim gầm ghì trắng, chuột núi…, cùng nhiều sản vật quý hiếm như tổ yến, đồi mồi, vích, hải sâm, rau câu…
Càng vào bên trong bạn sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ và trong lành từ chính khu rừng này.
Xem vích đẻ trứng
Vích là tên gọi khác của loài rùa biển Olive, đây là một loài rùa biển cỡ nhỏ, phân bố ở vành đai nhiệt đới trên biển và các vùng nước ấm thuộc Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Vào khoảng thời gian tháng 8, tháng 9 là thời điềm Vích sinh sản
Vích được coi là một trong những loài đẻ vô tội vạ nhất trong họ nhà rùa biển, với mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi con khoảng 100 trứng. Cứ đến mùa sinh sản là hàng trăm, hàng nghìn con cùng nhau kéo lên bờ đẻ trứng và đây cũng là thời điểm du khách đến Côn Đảo rất đông để được xem những khoảnh khắc này.
Đừng bỏ qua cơ hội được quan sát những chú vích đẻ trứng như thế nào nhé!
Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những con rùa biển Chelonia mydas mà dân gian hay gọi rùa xanh hay vích… làm ổ và đẻ trứng bên bờ biển.
Vích con lại tiếp tục tìm về với mẹ
Cần lưu ý khi tham gia các chương trình khám phá rừng - biển tại Côn Đảo
- Chấp hành nội quy của Vườn Quốc gia Côn Đảo.
- Luôn bỏ rác vào thùng khi tham quan trong rừng và tại các bãi biển để giữ gìn vệ sinh môi trường.
Luôn đi theo đường mòn có chỉ dẫn trong rừng để không bị lạc nhé.
- Sóng biển mạnh và có nhiều dòng nước ngầm, hãy hỏi hướng dẫn viên để chọn nơi tốt và an toàn nhất để bơi.
- Không hút thuốc hoặc đốt lửa trong rừng hay trên bãi biển.
Lưu ý khi chọn tour du lịch Côn Đảo
Đọc kỹ nội dung chương trình tour và điểm tham quan
Nên chọn tour từ 2 đến 3 ngày là tốt nhất
Dịch vụ ở Côn Đảo còn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng cung cấp của đất liền nên còn khá đắt đỏ và hạn chế nhất là các hoạt động vui chơi về đêm. Do đó, bạn nên chuẩn bị tâm lý rằng đây là chuyến nghỉ ngơi và khám phá một hòn đảo còn rất hoang sơ, dịch vụ chưa đầy đủ như đất liền.
Hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ để có một chuyến du lịch Côn Đảo tuyệt vời!!!
Bạn nên chuẩn bị giày cao cổ nếu muốn vào rừng khám phá, thuốc chống dị ứng, các loại thuốc cá nhân hay dùng, một số đồ ăn liền do buổi tối rất khó kiếm đồ ăn.
UniViet Travel kính chúc Quý Khách chuyến du lịch Côn Đảo vui vẻ và thú vị!