Thiền viện Trúc Lâm Phú Quốc hay còn gọi với cái tên chùa Hộ Quốc, thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh với diện tích hơn 110ha ( diện tích chùa chiếm khoảng 12%). Tọa lạc tại ấp Suối Lớn của xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nổi tiếng là ngôi thiền viện lớn nhất đảo Ngọc nói riêng cũng như vùng Tây Nam Bộ nói chung, với sự đầu tư vô cùng lớn, được khánh thành vào ngày 14-12-2012. Thiền viện sở hữu một địa thế tuyệt vời nằm trên một ngọn núi cao, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Chính vì có địa thế này nên không khí nơi đây rất dễ chịu, mát mẻ nơi đây sẽ mang lại cho du khách một cảm giác vừa hùng vĩ mà lại rất là nên thơ.
Các giai đoạn xây dựng, hoàn thiện chùa Hộ Quốc.
Ngày 14 tháng 10 năm 2011, chùa được khởi công đồng bộ với hơn 1000 người làm liên tục trong vòng 14 tháng, Tổng mức chi phí xây dựng chùa là 80 tỉ và đường giao thông đến chùa 20 tỉ. Được kêu gọi từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp.
Ngày 14 tháng 12 năm 2012, sau 14 tháng miệt mài thi công, ngôi chùa chính thức khánh thành, đoán nhiều phật tử và du khách gần xa đến thăm viếng, dâng hương lễ Phật.
Năm 2013 -2014, chùa xây dựng các hạng mục phụ nhằm giúp phong cảnh chùa thêm mỹ quan thu hút nhiều du khách.
Sơ lược về kiến trúc – cấu trúc của Chùa Hộ Quốc
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý – Trần đặc sắc, chịu ảnh hưởng trường phái của các ngôi chùa ở miền Bắc như chùa Hương, chùa Trăm Gian. Và đặc biệt, tuy nằm trong hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm nhưng kiến trúc của Thiền Viện Trúc Lâm Hộ Quốc có chút khác biệt so với các thiền viện khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột gỗ lim nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ nhưng vẫn được chạm khắc tinh xảo.
Với tổng kinh phí xây dựng lên đến 100 tỷ, quần thể Chùa Hộ Quốc bao gồm cổng Tam quan, chính điện, sân thiên tỉnh, bậc thang, tháp trống, tháp chuông và nhà thờ tổ. Hiện hữu trong những công trình này là các tượng của 18 vị la hán, Bát Nhã Thành Tri và Phổ Hiền Hạnh Nguyên. Tại đây cũng có bàn thờ Đức Ông như ở Bắc Bộ. Người dân và tăng ni phật tử bốn phương tới với chùa Hộ Quốc không chỉ để cúng viếng mà còn để tham quan cảnh sắc nơi đây.
Đi đến Chùa Hộ Quốc – Phú Quốc như thế nào?
Nằm cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 27km du khách có thể đến chùa bằng xe máy hoặc ô tô theo cung đường Cách Mạng Tháng 8 – đường Hùng Vương – đường Nguyễn Văn Cư – đường Thiền Viện Trúc Lâm Hộ Quốc.
Cụ thể hơn, du khách đi từ thị trấn Dương Đông theo hướng về nhà tù Phú Quốc, cách đường rẽ vào Bãi Sao khoảng 1km phía bên tay trái có một lối rẽ nhỏ lên chùa Hộ Quốc (Ở phía bên kia của đường rẽ lên chùa là Khu dân cư Suối Lớn). Trên đường có bảng chỉ dẫn vào theo con đường bê tông rộng hơn 6m. Xe bon bon vượt qua dốc núi, đường hơi quanh cong, ít xe qua lại đi khoảng 4km là đến với Chùa Hộ Quốc – Phú Quốc. Có 2 đường lên chùa là đi thẳng và rẻ trái. Đường rẻ trái lên sau lưng chùa, đây là được nội bộ (bạn không nên đi theo con đường này).
Quang cảnh bên trong chùa có gì ?
Bước vào trong chùa là khung cảnh uy nghi. Chùa được thiết kế kiến trúc rất cổ kính.
Bước vào cổng chính, du khách sẽ thấy một khoảng sân rộng với tượng phật cao tầm 3m màu cẩm thạch nguyên khối được điêu khắc tỉ mỉ dưới tán cây bồ đề xanh mát. Từng đường nét trên tượng được chăm chút mềm mại, mang cảm giác thanh thoát cho bức tượng Phật.
Tiếp đó là quảng trường rộng lớn với lối lên thiền viện là bức phù điêu hình rồng sen màu vàng được điêu khắc công phu trên nền thạch cao trắng có chiều dài bằng 70 bậc dẫn lên phần chính điện của chùa. Và hành lang được cách điệu bằng hình những con rồng biểu trưng vào thời Trần.
Vào những ngày mưa từng bậc cầu thang vào cũng rất trơn. Đặc biệt đối với ai sợ độ cao thì hãy cẩn thận hơn. Bước lên hết bậc cầu thang từ trên cao nhìn xuống khung cảnh rất tuyệt. Xa xa là biển nước trong xanh, bãi biển này được người dân địa phương gọi là Bãi Cây Da.
Đứng trước chính điện du khách sẽ được mãn nhãn giữa những công trình kiến trúc đặc sắc như lầu trống “bát nhã” xây dựng tương tự ngôi chùa Hương nổi tiếng.
Hay 18 vị La Hán 2 bên đường vào được khắc bằng đá, trông rất trang nghiêm, uy dũng bảo hộ xung quanh chính điện Chùa Hộ Quốc.
Đặc biệt, tại chùa còn có bức phù điêu hoa văn đất nước Việt Nam với trống đồng Đông Sơn và lịch sử Âu Cơ Lạc Long Quân những ngày đầu lập nước.
Khi vào chính điện, những cột trần được điêu khắc hoa văn thời Trần và được sơn son thếp vàng càng tôn lên vẻ trang nghiêm và thanh tịnh của Chùa Hộ Quốc. Thoang thoảng đâu đó mùi hương trầm nhẹ nhàng khiến cho du khách như rũ bỏ hết bụi trần, chỉ còn tâm hồn thánh thiện đến bên quỳ lạy dưới chân đức Phật nhân từ.
Một số lưu ý khi đến tham quan Chùa Hộ Quốc
Đường vào Chùa Hộ Quốc khá quanh co nên du khách cần đi chậm , giữ chắc tay lái để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Chùa mở cửa tất cả ngày, giờ trong tuần để mọi người đến tham quan và chiêm bái.
Vì là nơi tôn nghiêm nên du khách đến chùa nên mặc quần áo kín đáo, chỉnh tề . Đặc biệt chị em có thể lựa chọn mặc những chiếc váy dài 1 chút , tránh mặc váy ngắn , quần soóc khi vào chùa.
Không đùa giỡn hoặc nói to, nói lớn trong khuôn viên chùa, đặc biệt là nơi chính điện.
Nên đến chùa vào lúc sáng sớm hoặc lúc xế chiều.
Giữ gìn vệ xin chung, không xả rác bừa bãi xung quanh chùa.