Cố đô Kyoto - nơi lưu giữ truyền thống văn hóa Nhật Bản

Thứ sáu - 22/05/2015 00:00
Muốn hiểu nước Nhật hiện đại, hãy đến Tokyo. Để hiểu về một Nhật Bản truyền thống phải tìm về Kyoto - cố đô hơn 1.000 năm tuổi của Nhật Bản. Từ năm 794 đến năm 1868, Kyoto là kinh đô của đất nước Mặt Trời mọc. Đến thế kỷ XIX, dưới thời Minh Trị Duy Tân, kinh đô được chuyển về Edo, sau được đổi tên thành Tokyo.
Kyoto nằm trên đảo Honshu - đảo lớn nhất Nhật Bản, có diện tích gần 228.000 km2. Cả thành phố Tokyo, Osaka, Kobe, Hiroshima, núi Phú Sĩ… cũng nằm trên đảo này.
Kyoto đúng thực là thành phố cổ kính đúng nghĩa bởi nơi đây không có các tòa nhà chọc trời, những công trình hiện đại. Bù lại, cố đô Kyoto là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nước Nhật. Kyoto là hiện thân của nước Nhật cổ xưa, huyền thoại với nhịp sống chậm rãi, thanh bình.


                                                             Đường phố tại Kyoto

Nơi của sự linh thiêng
Kyoto có thể được ví như một viện bảo tàng lịch sử của người Nhật vì hơn một nửa số chùa, miếu, đền đài, dinh thự cổ kính của Nhật Bản tập trung ở Kyoto còn tồn tại đến ngày nay Tất cả những ngôi đền, chùa cổ kính này đều thể hiện các nét đặc sắc của văn hóa, chính trị của các thời đã trải qua. Tính đến hiện nay, Kyoto có 14 đền đài được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Một trong những ngôi chùa đầu tiên phải đến đó là chùa Kiyomizu, còn có tên là chùa Thanh Thủy, là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, xây dựng năm 778 trên đồi Otawa. Tuyệt tác kiến trúc phương Đông này chủ yếu làm bằng gỗ thanh thoát mà vững chãi. 


                                          Vẻ đẹp của chùa Thanh Thủy giữa rừng núi đại ngàn

Sau chùa có thác nước chảy xuống theo đường dẫn thành 3 dòng, tượng trưng cho những khát vọng của con người - đó là tình yêu, sức khỏe và tiền bạc. Du khách đến đây xếp hàng trang nghiêm, cầm gáo hứng dòng nước thiêng từ vách đá, vừa uống vừa thành kính khấn nguyện. 


                                 Du khách thành tâm hứng dòng nước thiêng tại chùa Thanh Thủy

Trong chùa có đền Jishu thờ thần Tình yêu, có 2 tảng đá nhỏ đặt cách nhau chừng 18m. Nam thanh nữ tú đến đền Jishu thường nhắm mắt, đi từ tảng đá này tới tảng đá kia. Ai tới đích nhất định sẽ tìm được một nửa của mình trong cuộc sống. 


                                                        Tảng đá tình yêu tại chùa Kiyomizu

Nhiều người mộ đạo còn tin rằng: nhảy từ chùa xuống chân đồi (khoảng 20m), nếu sống sót sẽ trường thọ, khỏe mạnh. Trước khi bị cấm hẳn vì nguy hiểm, có 234 người thực hiện hành động liều lĩnh này và 34 người đã thiệt mạng!
Mùa thu, Kiyomizu khoác lên mình chiếc áo màu đỏ rực bởi những cây phong bao quanh khuôn viên chùa.

Một ngôi chùa khác mang tên Kinkakuji, chùa Lộc Uyển, chùa Vườn Nai, chùa Gác Vàng đều là những tên gọi khác của ngôi chùa này. Được xây dựng năm 1397, một trong những công trình kiến trúc ở chùa là tòa nhà 3 tầng soi bóng xuống hồ Kyoko-chi, còn gọi là Kính Trì. Ban đầu chỉ có phần vách tầng 2 và tầng 3 dát vàng ròng. Tên gọi chùa Gác Vàng có nguồn gốc như vậy. Hiện nay, toàn bộ mặt vách 3 tầng, cả trong và ngoài đều dát vàng. 


                                                      Khung cảnh nên thơ của chùa Kinkakuji

Vào những chiều thu nắng đẹp hay những đêm trăng tròn, màu vàng óng ả lênh láng chảy xuống mặt nước ngọc bích tạo nên bức tranh thủy mặc. Đến viếng chùa, không gian cũng tràn ngập ánh vàng linh thiêng, hư ảo. Khi lên đèn, Kinkaku càng nổi bật, vàng rực giữa trời xanh. 


                              Chùa Kinkakuji nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên bởi sắc vàng của mình

Sự tinh xảo và cầu kỳ thể hiện qua vị thế ấn tượng giữa màu vàng chủ đạo của chùa, màu xanh từ nước mặt hồ, màu xanh của cây lá, màu xanh của trời tạo nên một khung cảnh bình yên.
Cảnh quan của Kinkaku thay đổi không chỉ theo từng mùa mà còn từng tháng, từng ngày; thậm chí từng giờ. Mỗi thời khắc đều có vẻ đẹp riêng, lộng lẫy, trầm mặc, kín đáo…

Chùa Sanjusangendo (Chùa 33 gian) nhìn bề ngoài mộc mạc, dân dã nhưng là một viên ngọc báu của Nhật Bản, xây dựng năm 1164. 


           Với chiều dài 120m, chùa Sanjusangendo là một trong những công trình kiến trúc gỗ dài nhất Nhật Bản. 

Chùa Sanjusangendo nổi tiếng với 1001 bức tượng Phật Quan Âm được chạm khắc tinh xảo từ cây bách. Nổi bật ngay giữa chính điện là một bức tượng Phật Quan âm 1000 tay và 11 khuôn mặt.


                                  Tượng phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay trong chùa Sanjusandengo 

Cùng với bức tượng này là 1000 tượng Phật Quan âm khác có kích thước như người thật, cũng làm bằng gỗ bách, sơn son, thếp vàng. Tuy nhiên mỗi tượng này chỉ có 40 tay và mỗi cánh tay có thể cứu rỗi  được 25 chúng sinh.


                                     Các bức tượng Quan Âm khác trong chùa với những vị Hộ pháp

Toàn khu vực chùa mang đến cho khách tham quan một cảm giác thanh bình, tĩnh tại. Chùa Sanjusangen không chỉ thu hút khách du lịch thông thường mà cả những người nghiên cứu về lịch sử. Chùa là địa điểm tuyệt vời để chiêm ngắm những tác phẩm chạm khắc truyền thống Nhật Bản từ xa xưa.

Đền Fushimi Inari là một trong những đền thờ Shinto (thần đạo) quan trọng nhất ở phía Nam Kyoto. Điện thờ được lập năm 711 và là điện thờ dẫn đầu trong số 40.000 điện thờ dành thờ phụng thần Inari, nữ thần gạo và thịnh vượng tại Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, Cáo là con vật truyền tin của nữ thần Inari, vì vậy, xung quanh khu vực đền, có rất nhiều bức tượng cáo được tạc tỉ mỉ, nhiều hình dáng, kích cỡ, tạo nên dấu ấn stại ngôi đền này.


                                                             Chánh điện của đền Fushimi Inari

Đền Fushimi Inari nổi tiếng nhất với những cánh cổng Torji truyền thống sơn đỏ, với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc. Những chiếc cổng này còn được gọi là “điểu cư” (nơi chim đậu), được xếp thành hàng dài từ sau ngôi đền chính, tạo thành một con đường tuyệt đẹp dẫn vào khu rừng và ngọn núi thiêng Inari, cao 233 mét.
Cổng Torji trong tín ngưỡng Nhật đóng vai trò đánh dấu thánh địa linh thiêng. Hầu như mỗi ngôi đền Thần đạo chỉ có một cánh cổng Torji, chỉ riêng Fushimi Inari có tới hàng nghìn cánh cổng như vậy. Những chiếc cổng này được các cá nhân và công ty quyên tặng và mỗi chiếc cổng đều có tên của người quyên tặng và ngày quyên tặng được viết ở mặt sau.


                                                   Hàng nghìn cổng Torji tại đến Fushimi Inari

Những cánh cổng Torji này là điểm nổi bật nhất của Fushimi Inari, xuất hiện trong rất nhiều bức ảnh và đặc biệt còn là phim trường cho một cảnh quay trong Memoirs of a geisha (Hồi ức một geisha), bộ phim nổi tiếng về văn hóa Nhật với sự tham gia của Chương Tử Di, Củng Lợi và Dương Tử Quỳnh.
Nếu du khách quyết định leo thẳng lên đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cố đô Kyoto cổ kính phía bên dưới. Các tín đồ đến đây để cầu xin sự giàu có và thành công trong kinh doanh, còn du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp và lịch sử của khu vực này. 

Một điểm tham quan nổi tiếng khác tại Kyoto là Đền Heian. Đền được xây dựng năm 1895 để kỷ niệm 1100 năm Nhật hoàng Kammu dời kinh đô đến Kyoto. Và đây cũng là ngôi đền nơi thờ hai vị Hoàng đế Kanmu và Komei, hai vị Nhật hoàng đầu tiên và cuối cùng trị vì tại cố đô Kyoto. 


                                   Đền Heian nổi bật với những kiến trúc mang màu đỏ tươi sáng

Để đến tham quan đền du khách sẽ đi qua cổng Torii cao lớn, oai nghiêm, đồng thời dùng nước thanh tẩy tay, chân, mặt trước khi vào đền. 



Cùng với kiến trúc độc đáo, đền Heian còn thu hút du khách bởi khu vườn Shinen phía đông nam trong đền. Khu vườn là với một hồ nước rộng lớn cùng nhiều loài cây và các hồ cảnh, các loài động vật quý hiếm như loài rùa hồ vàng Nhật Bản. Vào dịp tháng tư hàng năm, đền Heian là một điểm lý tưởng để người dân Kyoto và khách du lịch ngắm hoa anh đào với những giống hoa anh đào khác nhau cùng nở rộ.


                                 Hoa anh đào nở rộ tạo nên một khung cảnh nên thơ tại đền Heian

Đền Heian đã được chính phủ Nhật Bản xác nhận là di sản văn hóa quốc gia quan trọng và là một trong những ngôi đền có thứ bậc cao nhất toàn quốc. Đây là nơi giữ một vai trò quan trọng với những cư dân bản địa và thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, là một công trình kiến trúc biểu trưng cho sự giao hòa giữa quá khứ và hiện tại của Kyoto.

Nơi của các cung điện, lâu đài
Nằm ở trung tâm Kyoto, Hoàng Cung Kyoto nổi tiếng vì lối kiến trúc Nhật Bản tối giản và là biểu tượng của nghệ thuật ngự viên Nhật Bản được xây dựng vào năm 1331, Hoàng cung Kyoto là một quần thể cung điện nguy nga tráng lệ để phục vụ cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc đương thời. Năm 1994, UNESCO chính thức công nhận Hoàng cung Kyoto là di sản văn hóa thế giới và trở thành điểm tham quan ao ước nhất của du khách khi họ viếng thăm cố đô cổ kính của Nhật Bản. 


                                                 Mô hình thu nhỏ của Hoàng cung Kyoto

Tuy nhiên, du khách không dễ tiếp cận nơi này, bởi lẽ chính quyền thành phố Kyoto không chủ trương khuyến khích du khách đến thăm hoàng cung nhằm bảo vệ sự yên tĩnh và trang nghiêm ở nơi này. Để được vào thăm hoàng cung Kyoto, du khách phải đăng ký trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Sau đó, phải xuất trình passport, làm thủ tục đăng ký tại Ban quản lý hoàng cung thì mới được cấp phép vào thăm.


                                                                Bên trong Hoàng cung Kyoto

Vậy nên, trong khi chỉ một số ít du khách có cơ may đi thăm những cung vàng điện ngọc bên trong hoàng cung, thì số đông còn lại chỉ có cơ hội dạo bước ở vườn Ngự uyển bao quanh hoàng cung.


                                                   Vườn thượng uyển của Hoàng cung Kyoto

Biệt thự Hoàng gia Katsura, tọa lạc ở phía Tây Kyoto, được xem là một trong những biểu tượng đẹp nhất về kiến trúc, đặc biệt là những khu vườn truyền thống Nhật Bản, những ngọn đồi nhân tạo cùng với nhưng chiếc cầu cong cong bắc qua hồ nước.


                         Khu vườn với đúng kiểu vườn truyền thống Nhật Bản của Biệt thự Katsura

Biệt thự Hoàng gia Shugakuin được xây dựng vào thế kỷ XVII và là nơi ở ẩn của Hoàng đế Go-Mizunoo, được đặt dưới chân đồi của của dãy núi Higashiyama với ba khu biệt thự nằm ở những độ cao khác nhau trong khu vườn đẹp như tranh vẽ của hoàng gia kết nối bởi các con đường và được bao quanh bởi những cánh đồng lúa.


                                                        Vẻ đẹp của Biệt thự Shugakuin

Thành Nijo là nơi lưu lại tinh hoa kiến trúc cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xứ sở hoa anh đào xưa. Năm 1601, Tokugawa Ieyasu, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa đã ra lệnh tất cả các lãnh chúa phong kiến ở miền tây Nhật Bản phải đóng góp vào việc xây dựng lâu đài Nijo. Lâu đài được hoàn thành trong thời cai trị của Tokugawa Iemitsu vào năm 1626. Thành cổ này bao gồm hai vòng tường thành kiên cố, lâu đài Ninomaru, lâu đài Honmaru và rất nhiều dinh thự, vườn cây hoa cảnh lộng lẫy khác.

Cung điện Honmaru có diện tích bề mặt là 1600 mét vuông. Tổ hợp kiến trúc này gồm có bốn phần: các khu nhà ở, các phòng tiếp đãi và giải trí phòng, tiền sảnh và khu vực nhà bếp. 


                                                                       Lâu đài Honmaru

Lâu đài Ninomaru rộng 3300 mét vuông bao gồm năm tòa nhà riêng biệt kết nối nhau và được xây dựng gần như hoàn toàn bằng Hinoki (cây bách). Trang trí bao gồm số lượng lớn các lá vàng và các chạm khắc gỗ tỉ mỉ thể hiện sự giàu có của các shogun (tướng quân). Các cánh cửa trượt và tường của mỗi phòng đều được trang trí bằng tranh tường của các nghệ sĩ của trường Kano.


                                                                      Lâu đài Ninomaru

Nơi của các lễ hội
Cố đô Kyoto là nơi giữ gìn, bảo tồn và diễn ra các lễ hội lớn, quan trọng gắn liền với các giá trị truyền thống của Nhật Bản.
Lễ hội Gion diễn ra tại khu phố Gion, là một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội diễn ra vào tháng 7, có từ năm 869. Đó là những cuộc rước bàn thờ lưu động để xua đuổi dịch bệnh. Ngày nay, lễ hội Gion được tổ chức bề thế với các kiệu và xe hoa trang trí tỉ mỉ, hoành tráng. Âm nhạc rộn ràng, màu sắc rực rỡ và dòng người tấp nập hân hoan làm cho Kyoto như một đại cảnh lớn của bộ phim lịch sử đang công chiếu giữa đời thường. 


                                                     Đường phố Kyoto khi diễn ra lễ hội Gion

Mùa hè, Kyoto còn có lễ hội Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Lễ hội này dược tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. 


                           Thả thuyền trên sông cũng là một trong những hoạt động của lễ hội Obon

Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu. Ấn tượng nhất là là màn đốt lửa trên núi Daimonji nhằm tiễn đưa linh hồn người đã khuất về nơi an nghỉ vĩnh hằng. 


                              Các khối lửa kết thành hình chữ Đại khổng lồ, sáng rực cả bầu trời cố đô

Lễ hội Aoi Matsuri hay còn gọi là  Lễ Thục Quỳ diễn ra vào tháng 5, có từ thế kỷ VI, bởi trong suốt lễ hội, tất cả đoàn diễu hành, kiệu rước hay lễ vật đều sẽ được trang trí bằng lá hoặc hoa thục quỳ.


                         Lá thục quỳ được trang trí trên đồ vật cả những người tham gia lễ hội Aoi Matsuri

Người ta tin rằng, lá và hoa Thục Quỳ có tác dụng xua đuổi, chống lại các thảm họa thiên nhiên. Khoảng 500 người và những chiếc xe bò được trang trí đẹp mắt với lá và hoa cây thục quỳ, tuần hành từ Hoàng cung Kyoto đến đền Kamigamo, mang đậm dấu ấn hội họa và văn học Nhật Bản.


                                  Lễ hội Aoi Matsuri luôn thu hút đông đảo người dân Nhật tham gia

Nơi của giải trí
Gion là khu phố giải trí nổi tiếng ở Kyoto, là nơi duy nhất Geisha vẫn còn. Geisha là một nghề truyền thống và lâu đời ở Nhật, nghề này tương tự như hát ả đào ở Việt Nam, tuy nhiên ngoài việc đàn hát thì các cô Geisha còn phải hầu rượu và nói chuyện với khách hàng. 


                                                                Một cửa hàng tại khu phố Gion

Ngoài việc là khu Geisha duy nhất còn lại ở Nhật hiện nay thì khu phố Gion còn nổi tiếng với những con phố với những ngôi nhà gỗ cũ, những quán trà đạo hay các nhà hàng độc quyền, là địa điểm ưa thích của các doanh nhân thành đạt, thậm chí cả những khách du lịch.
Bảo tàng Manga, là bảo tàng được dành để tôn vinh một trong những nghệ thuật truyền thống đặc sắc và đáng tự hào nhất của Nhật Bản


                                                Khuôn viên rộng lớn của bảo tàng Manga

Nội dung trưng bày cùng những hội thảo tại bảo tàng đều nhằm mục đích quảng bá cho nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản. Những thể loại truyện tranh khác nhau được trưng bày để du khách khám phá xuyên suốt nhiều tầng của tòa Bảo tàng Manga Quốc tế Kyoto.
 

                                                Những kệ truyện nối dài nhau bên trong bảo tàng

Tại đây, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động phong phú khác như học cách vẽ những nhân vật truyệt tranh hay lẫn xem những trang truyện tranh cổ nhất hiện còn lưu giữ của quốc gia.
Từ thế kỷ thứ VI, các khu phố chợ mới bắt đầu được hình thành. Nishiki - “Nhà bếp của Kyoto,” “Thủ đô của những bữa ăn truyền thống Nhật Bản” là một trong những khu chợ đẹp và cổ xưa nhất của xứ sở Phù Tang tại Kyoto.


                                                       Khu chợ Nishiki nổi tiếng tại Kyoto

Chợ lợp ngói màu sặc sỡ với hàng trăm gian hàng đối diện nhau, bán đủ loại thức ăn; từ bình dân đến cao cấp, từ hải sản đến nông sản, thực phẩm.

Kyoto còn có nhiều điều kỳ thú như  du thuyền trên sông Katsura, khám phá Công viên Maruyama, dạo chơi quanh các phố cổ hay những đường làng… Đã du lịch đến Tokyo để hiểu về cuộc sống hiện đại của người Nhật thì phải tìm về cả Kyoto để hiểu được truyền thống, văn hóa và lịch sử của người Nhật, như vậy mới gọi là du lịch trọn vẹn Nhật Bản. 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn