Hướng dẫn cách sử dụng hệ thống tàu điện Nhật Bản - Phần 1
Thứ sáu - 26/06/2015 01:38
Nhật Bản không chỉ nổi tiếng khắp thế giới vì văn hóa ẩm thực đặc sắc mà còn khiến các nước phải ngã mũ cúi chào vì mạng lưới giao thông hiện đại và chuẩn xác đến từng phút một. Trong đó, hệ thống tàu điện ngầm là một trong những niềm tự hào của ngành giao thông xử sở này. Người Nhật có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng không thể một ngày không có tàu điện. Có thể nói chỉ cần hệ thống tàu điện trải dài khắp Nhật Bản này đình trệ trong một giờ thôi thì chắc rằng cả nước sẽ lâm vào tình trạng rối loạn ngay. Nghe có vẻ nghiêm trọng nhỉ nhưng đó là sự thật đấy.
Khi bạn đã đặt chân đến với nước Nhật rồi thì ít nhất trong một ngày bạn sẽ phải leo lên tàu điện là 2 lần. Đối với người Việt Nam thì chúng ta đã quen đi xe máy tiện lợi rồi nên hệ thống tàu điện này nghe có vẻ xa lạ đúng không? Dù cho các bạn có bắt gặp nó trên báo đài đi chăng nữa thì nhìn thôi cũng không đủ “đô” đâu, phải trực tiếp trải nghiệm thì bạn mới cảm thấy nó “kinh khủng” đến mức nào.
Mình cá là vẻ mặt dưới đây sẽ khối bạn đã trải qua khi lần đầu tiên đứng giữa một nhà ga lớn ở Nhật, Tokyo chẳng hạn.
Người thì đông tấp nập, bước chân thì vội vàng, gương mặt ai cũng không một chút biểu cảm… lạnh tanh. Cổng vào thì như tổ ong vò vẽ, cái nào cũng như cái nào. Bảng thông báo lại cứ nhảy liên tục không đọc kịp. Dừng chân trước máy bán vé tự động thì đần mặt ra vì toàn tiếng Nhật, ngẩng đầu lên nhìn bản đồ hệ thống tàu điện thì đơ mặt vì trình độ rối cao siêu như mấy bài toán sin cos tan. Có thể nói đó là một kinh nghiệm đẫm “mồ hôi” và “nước mắt” với hai đứa mình.
Một lời khuyên chân thành cho các bạn vào thời điểm đó: TĨNH TÂM THANH TỊNH. Nhắm mắt lại niệm “nâm mô a di đà” cho tinh thần được siêu thoát. Đùa thôi, chứ lúc đó các bạn hãy bình tĩnh, đừng có rối. Bạn càng lo âu thì đầu óc sẽ rối loạn, không còn phân biệt đông tây nam bắc nữa. Hãy cứ nên nhớ trong đầu rằng bất cứ một cái nhà ga lớn nào cũng đều có những bảng hướng dẫn hết sức tỉ mỉ và thậm chí có cả một quầy hỗ trợ thông tin dành cho khách du lịch.
Ở đây mình hướng dẫn cách đi chung nhất cho các bạn sử dụng tiền mặt mua vé trực tiếp nhé. Nếu trường hợp bạn sử dụng vé JR PASS thì bỏ qua bước mua vé là được.
Phần đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu cách tra cứu các chuyến tàu. Điều đầu tiên trước khi đến nhà ga là bạn phải tra cứu kĩ thông tin địa điểm mình cần đến. Thường các địa điểm du lịch nổi tiếng có website riêng sẽ hướng dẫn rất cụ thể bạn phải đi đến ga nào và leo lên tàu nào. Nếu nơi bạn đến không có hỗ trợ phần đó thì hãy vào trang web : http://www.hyperdia.com/en/ để tra cứu thông tin về tàu điện, shinkansen v..v thậm chí cả giờ chạy cũng được cập nhật rất nhanh chóng. Trang này là tiếng anh nên rất dễ thở cho các bạn.
Giao diện của trang web HyperDia
Đây là phần bạn dùng để tìm kiếm tàu điện. Tàu điện thì có rất nhiều đường ray, từ bây giờ chúng ta cứ gọi một loại tàu là Line nhé .
From : Nơi bạn xuất phát
To: Ga đến
Date: Ngày giờ bạn muốn đi
Time: Thời gian mong muốn (chỉ ước chừng thôi nhé, không phải lúc nào giờ đó cũng có chuyến đâu)
Type: Chỗ này bạn để Departure cho dễ xem. Arrival nó sẽ tính ngược lại, bạn không quen dễ bị xem nhầm lắm.
Giả sử nhé, đi từ YOKOHAMA đến MAIHAMA. Sau khi “Search”, nó sẽ ra một cái bảng thế này.
Bản thông tin về các tuyến từ Yokohama đến Maihama
Route ở đây là đường đi. Từ một ga đến một ga khác thông thường có rất nhiều hướng đi. Tùy vào cái nào thuận tiện cho bạn mà bạn chọn. Chẳng hạn mình thì muốn đi lúc 2 giờ chiều nhưng chuyến Keiyo Line đến MAIHAMA không có thì bắt buộc mình phải đổi sang đi Musashino Line.
Chúng ta lấy đại 1 Route là làm ví dụ nhé:
Thông tin chi tiết từ chuyến đi được thể hiện lên
Dòng trên cùng là tổng số tiền bạn phải trả khi đi từ YOKOHAMA đến MAIHAMA và bạn phải mất bao nhiêu lâu mới đến được nơi đó.
Bạn thấy cái biểu tượng bị khoanh tròn màu xanh lá không. Kí hiệu đó ý chỉ là bạn KHÔNG được xuống ga đó mà ngồi luôn trên xe. Tàu sẽ tự động chuyển đổi tên từ Keiyu Line sang Toei Subway Line.
Còn nếu gặp biểu tượng bị khoanh cam thì tức là bạn phải xuống ở ga đó và đổi chuyển tàu (Norikae)
Có thêm một điểm chú ý nữa là tên Line được khoanh vuông màu xanh dương. Ở Nhật Bản có rât nhiều công ty ngành tàu điện “giành giật” khách hàng với nhau. Nó thể hiện qua việc đi kèm các loại khuyến mãi , ưu đãi v..v. Nói chung đối với loại tàu điện thường sẽ có hai loại chính là “Chính phủ” và “Phi Chính Phủ”. JR thuộc hàng đường sắt quốc gia, ngoài ra còn các loại tàu điện khác là thuộc về tư nhân.
Các bạn sử dụng JR PASS cần chú ý điểm này. Các bạn chỉ được phép đi các Line trực thuộc hãng JR thôi (Line tư nhân và Shinkansen thì có giới hạn nhé). Nếu xớ rớ leo lên các hãng tư nhân thì bạn phải móc tiền túi ra nếu Line đó không nằm trong hệ thống vé JR PASS. Điểm để phân biệt chính là chữ JR ở đầu trong phần mình khoanh vuông. Thấy chữ này thì leo lên vô tư. Cách đi bằng JR PASS mình sẽ nói ở các phần sau.
Đó là những điểm bạn cần lưu ý khi đọc thông tin ở trang này.
Một cách tổng quát thì sẽ như thế này :
Giả sử mình chọn Route 3 như hình trên thì tàu sẽ chạy lúc 14:55 , mình sẽ phải có mặt ngay đường ray trước 5 phút. Vậy thì khoảng 14:40 là phải có mặt ở ga để phòng bất trắc.
Ở ga YOKOHAMA, sau khi soát vé vào, mình đến cửa số 6 (giả sử thôi) của Line Keikyuu, khi đến ga SENGAKUJI mình sẽ ngồi lì trên xe đợi nó tự động chuyển thành Line TOEI SUBWAY ASAKUSA. Sau đó xuống tàu tại ga HIGASHI-GINZA, tiếp tục soát vé ra rồi lại kiếm cổng soát vé vào (Thật ra thì tùy vào hướng cổng bạn lựa mà có cần soát vé ra vào liên tục hay không; nếu hai cái cổng kế nhau thì bạn chỉ cần leo cầu thang chuyển bên là được). Tiếp tục kiếm cửa số 8 (giả sử) của Line TOKYO METRO HIBIYA, leo lên xe và ngồi đến ga HATCHOBORI thì xuống tàu. Lại tiếp tục kiếm cổng của Line Keiyo mà leo lên. Xong cuối cùng cũng đến La Mã. Chóng mặt chưa?
Lời khuyên chân thành cho những ai vừa tập đi hệ thống xe điện, bạn chuyển chuyến càng ÍT càng tốt. Chuyển nhiều bạn sẽ loạn lên không biết cổng nó nằm ở đâu. Khi đi quen rồi hãy bắt đầu chuyển nhiều chuyến. Cái lợi của chuyển nhiều chuyến là tiết kiệm thời gian và tiền bạc”, chuyển càng nhiều thì thời gian càng rút ngắn (với điều kiện bạn không lỡ bất kì một chuyến nào trong suốt hành trình). Thế nhưng bạn đi du lịch chứ có phải đi đánh giặc đâu mà đi gấp chi cho mệt não. Cứ lựa cái nào dễ nhất mà đi.
Phần sau mình sẽ hướng dẫn cách sử dụng máy bán vé tự động ở ga.
Hướng dẫn cách sử dụng hệ thống tàu điện ở Nhật Bản - Phần 2
Tác giả bài viết: Nyuhato/Hạ Tử
Nguồn tin: minakamisnowland.wordpress.com
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.univietravel.com là vi phạm bản quyền