Người Nhật thường nói muốn lấy lòng cô gái nào, hãy dẫn cô ấy đi ăn sushi. Điều này cho thấy sushi là món ăn người Nhật dùng thết đãi những người mà họ yêu quý và vào những dịp lễ tết, đặc biệt.
Sushi đã vượt qua cả biên giới của Nhật Bản, đến với những vùng đất, quốc gia xa xôi hơn
Ngày naysushiđã không còn là món ăn của người Nhật mà còn đi khắp thế giới, chinh phục được biết bao người bởi vị ngon, độc đáo và cả nghệ thuật trong từng miếng sushi. Để được như hôm nay, sushi cũng trải qua rất nhiều thay đổi để trở thành món ăn không thể thiếu đối với người dân xứ sở hoa anh đào.
Những miếng sushi luôn hấp dẫn bất cứ mọi người mỗi khi nhìn đến
Và dĩ nhiên, không một nơi nào mà sushi lại trở nên tươi ngon như xứ sở hoa anh đào cũng bởi nơi đây sở hữu khu chợ hải sản lớn nhất thế giới – Chợ cá Tsukiji.
Chợ cá Tsukiji luôn nổi tiếng bởi sự tươi ngon về hải sản, đặc biệt là cá ngừ
Đến nay vẫn chưa có một thông tin chính xác nào về thời gian ra đời của món sushi tại Nhật Bản hoặc đây là món ăn xuất phát từ Nhật hay từ một quốc gia nào khác…
Uramaki được tẩm trứng tôm
Song một giả thuyết được mọi người ủng hộ nhất chính là sushi được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản ở thế kỉ thứ 9. Với một quốc gia giàu có về thủy hải sản đã làm người Nhật phải luôn tìm kiếm những phương pháp để bảo quản sao cho các loại thực phẩm này không bị hư. Khi mới du nhập vào, sushi cơ bản chỉ là cách mà người dân cho thịt cá lên men tự nhiên bằng việc cuốn tôm cá chung với cơm đã được trộn giấm để giữ được lâu hơn. Nhưng sau đó người Nhật phát hiện ra bằng phương pháp này các loại hải sản như ngon hơn đặc biệt là kết hợp với cơm trộn giấm. Vậy là món sushi đã được ra đời và biến hóa đa dạng với những loại sushi khác nhau cho đến hiện tại.
Một phần sushi gần như dầy đủ tất cả các loại sushi của người Nhật
Đặc biệt khi đến những nơi khác nhau từng miếng sushi lại tiếp tục biến hóa phù hợp với ẩm thực những vùng miền đó, ngay cả khi đến Việt Nam, sushi cũng mang vào đó phong cách riêng trong ẩm thực của người Việt. Và điều bất ngờ nhất chính là khi biết xuất xứ của sushi không phải từ đất nước Mặt trời mọc.
Sushi không chỉ là món ăn của Nhật Bản mà còn toát lên cả văn hóa ẩm thực của họ trong đó
Thời kì nở rộ Như đã nói thời gian đầu sushi vẫn chỉ là cách người dân Nhật bảo quản thực phẩm tươi sống, vẫn chưa được người Nhật xem là một món ăn tuyệt hảo mãi đến thời đại Edo (hay còn gọi là thời kì của các Shogun) thì sushi mới bước vào con đường huy hoàng của mình cho đến ngày nay. Lúc này sushi không chỉ là phương pháp bảo quản thực phẩm hữu hiệu mà trở thành một món ngon đúng nghĩa với sự thơm ngon, bắt mắt bởi vể bên ngoài và sự kì công, tinh tế trong từng cuộn sushi. Chính việc đời đô từ Kyoto đến Tokyo đã mang món sushi dần lan rộng ra khắp Nhật Bản, không còn là một món ăn cung đình xa xỉ mà trở thành món ăn yêu thích của tất cả người dân Nhật Bản.
Những cuốn Temaki luôn níu chân thực khách bởi phần nhân lộ ra bên ngoài trông thật hấp dẫn
Và đến thế kỉ 17 khi mà giấm gạo làm từ những hạt gạo non được người Nhật chế biến ra thay thế các loại giấm và phụ gia khác đã nâng vị ngon của sushi lên một bậc nữa. Vị tươi ngon của hải sản không bị biến đổi mà còn mang đến miếng sushi một vị chua dịu nhẹ, mùi thơm đặc trưng thoảng qua là những gì giấm gạo đã mang đến cho món sushi. Đây cũng chính là tiền thân của sushi hiện đại có phần cơm trộn giấm gạo Nhật mà chúng ta vẫn thưởng thức hiện nay.
Giấm dạo Mizkan nổi tiếng dùng để trộn cơm làm sushi
Cách làm sushi Để làm đươc một đĩa sushi đúng vị và đúng nghĩa không phải là một điều dễ dàng, đòi khỏi rất nhiều khâu chế biến và sự tỉ mỉ của người thợ. Nước dùng để nấu cơm phải là nước tinh khiết
Cơm làm sushi phải dẻo, thơm, không bị nát, độ mềm vừa phải tạo sự kết dính.
Hải sản phải tươi để có được vị ngọt, tươi và nhất là hương vị vẫn còn nguyên vẹn khi thưởng thức.
Cá ngừ, cá hồi, trứng cá hồi… là những nguyên liệu luôn cần sự tươi ngon để làm nên món sushi
Các dụng cụ làm món sushi thường được làm bằng gỗ để giữ được độ tinh khiết, vị ngon và nhất là khi trộn cơm và giấm nếu dùng chất liệu kim loại sẽ tạo ra phản ứng làm mất đi vị chua vốn có của giấm gạo. Ngoài ra, các đầu bếp Nhật còn sáng tạo trong cách trang trí sushi bằng những hoa quả, rau củ tỉa kết hợp với những rau của để tạo nên những miếng sushi vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa hài hòa trong màu sắn và cả hương vị.
Một món sushi hoàn chỉnh được mang lên cho thực khách là cả một quá trình chuẩn bị công phu
Các loại sushi 1. Nigirizushi Nói đến sushi Nhật Bản sẽ khiến chúng ta nghĩ ngay đến những phần cơm nhỏ hình khối chữ nhật được nặn bằng tay và bên trên là những lát hải sản đặt lên như cá sống, tôm song, bạch tuột, trứng rán… Đó chính là Nigirizushi - loại sushi cực đơn giản của Nhật Bản. Và để làm ra những miếng Nigirizushi tuyệt vời, ngươì đầu bếp phải được đào tạo hàng năm trời và có kinh nghiệm bởi từng phần cơm phải đều bằng nhau, phải dẻo, phải thơm.
Tôm, cầu gai, bạch tuột, cá ngừ, cá cam... là những loại hải sản thường được dùng là Nigirizushi
Gunkanmaki đây là 1 dạng đặc biệt của Nigirizushi. Tên gọi Gunkanmaki được gọi bởi hình dáng của những miếng sushi nhìn từ xa như một chiến hạm (gunkan trong tiếng Nhật có nghĩa là chiến hạm).
Nhìn từ xa, Gunkanmaki luôn toát lên sự vững chãi với một món ăn
Gunkanmaki chỉ mới ra đời cách đây khoảng 70 năm nhưng nhanh chóng nhận được sự yêu thích của mọi người bởi đầu bếp sẽ dùng rong biển khô cuốn quanh cuộn cơm và đặt lên trên trứng cá, cầu gai…
Temarizushi cũng là một dạng của Nigirizushi nhưng được tạo dáng hình cầu như quả bóng và rất được trẻ con yêu thích.
Bất kì loại nguyên liệu nào cũng có thể đặt lên trên Temarizushi như trái cây, thịt nguội, xúc xích hoặc rau củ
2. Oshizushi Oshizushi là một đặc sản của Osaka, được xem là loại sushi cao cấp, sang trọng.
Đầu bếp không nắm cơm bằng tay như thông thường mà ép cơm và cá sống vào trong hộp gỗ, dùng nắp gỗ để ấn xuống sao cho cơm và cá dính chặt vào nhau.
Khuôn gỗ sẽ được tháo ra và từ miếng sushi to sẽ cắt thành những miếng nhỏ hơn.
3. Chirashizushi Chirashizushi là món sushi phổ biến tại Nhật Bản vì món sushi này có đầy đủ các món ăn trong sushi, tiện lợi và dễ làm. Đây là một tô cơm đầy ắp các loại hải sản sống như cá ngừ, cá hồi, bạch tuột, trứng cá, trứng rán, rau củ và cả rong biển… tất cả đều được đặt lên tô cơm.
Chirashizushi còn là một món ăn quan trọng, không thể thiếu với các bé gái Nhật Bản vào ngày Lễ hội búp bê – mùng 3 tháng 3 hàng năm.
Vào ngày này, các bé gái sẽ được trưng bày búp bê Hina-ningyo, được uống ít rượu Sake và thưởng thức món Chirashizushi.
4. Makizushi Makizushi là loại sushi có dạng hình trụ. Tất cả nguyên liệu sẽ được gói trong miếng rong biển khô và được cuộn lại tạo hình nhờ vào một tấm mành tre.
Với những đầu bếp chuyên nghiệp, đôi khi họ không cần dùng mành tre để cuốn Makizushi
Nguyên liệu cho Makizushi rất đa dạng từ những nguyên liệu đã được chế biến đến những nguyên liệu vẫn còn tươi sống, đi kèm là các loại rau củ như dưa chuột, bơ… Sau khi cuốn thành hình trụ, đầu bếp sẽ cắt thành các cuộn tròn vừa ăn.
Thực tế có rất nhiều loại Makizushi khác nhau.
Futomaki là một loại sushi từ Makizushi và còn được gọi với những tên khá dễ thương như maki béo, maki mập mạp bởi kích thước đường kính khá lớn từ 5-6cm.
Những cuốn Futomaki với đầy ắp nhân bên trong
Cũng giống như các loại sushi khác, lớp vỏ ở ngoài thường là rong biển khô tuy nhiên với các loại sushi khác chỉ có thể dùng một đến hai thành phần để làm phần nhân thì với kích thước của mình, Futomaki cho phép đầu bếp sử dụng từ ba thành phần hoặc nhiều hơn để làm nhân cùng với nhiều loại rau củ để tạo nên sự đẹp mắt và mùi vị đặc trưng của maki béo này.
Hosomaki là tên của một loại sushi với đường kính khoảng 2,5cm, với kích thước nhỏ này.
Hosomaki còn được gọi là sushi gầy, sushi mini.
Sở dĩ có kích thước nhỏ vì nhân của Hosomaki thường đơn giản chỉ với một nguyên liệu như cá hồi, cá ngừ, dưa chuột, cà rốt, trái bơ… được cuộn bên trong rong biển khô.
Temaki, trong tiếng Nhật, “te” có nghĩa là tay nên Temaki có nghĩa là sushi cuộn bằng tay. Đúng với tên gọi, Temaki là loại sushi cuộn bằng tay mà không dùng mành tre.
Bên ngoài Temaki vẫn là rong viển khô, bên trong là cơm, nhân nhưng sẽ được cuộn lại bằng tay thành hình chiếc nón nhọn.
Đồng thời Temaki phải được ăn ngay sau khi làm xong bởi nếu để lâu sẽ mất độ giòn của rong biển đồng thời làm Temaki mềm đi, mất vị ngon lúc đầu.
Uramaki sẽ hơi khác so với các loại Makizushi vì sau khi cuộn cơm sẽ nằm bên ngoài thay vì ở bên trong như các loại maki khác.
Bên ngoài là cơm, bên trong là rong biển và nhân, đây là sự khác biệt của Uramaki
Uramaki được làm bằng cách đặt miếng rong biển lên trên mành tre cuộn sushi, cho một lớp mỏng cơm lên và lật ngược lại, để cơm ra bên ngoài. Thêm các thành phần khác vào như dưa leo, mayonnaise, thịt cua… và cuộn lại như các Makizushi khác.
Kết quả là sau khi cuộn xong, phần cơm sẽ được nằm ở ngoài cùng, trong khi rong biển và các thành phần khác nằm ở bên trong.
Vì cơm ở phía ngoài nên sẽ có độ kết dính cao hơn, vì thế cuộn Uramaki sẽ được lăn qua trứng cá, trứng tôm hoặc mè trông đẹp mắt hơn .
5. Inarizushi Có lẽ đây là loại sushi đơn giản, dễ làm và không tốn kém nhất trong các loại sushi của Nhật Bản bởi chỉ cần cơm, một ít rau củ và vỏ đậu hũ chiên Aburaage là bạn có thể làm được món sushi này.
Vỏ đậu hũ chiên Aburaage
Cơm làm sushi sẽ được trộn với các loại rau củ thái nhỏ như nấm, cà rốt, măng hoặc mộc nhĩ… Sau đó cho vào Aburaage.
Inarizushi luôn mang đến cho người thưởng thức một cảm giác lạ miệng, thú vị bởi vỏ đậu hũ dai dai, thơm mùi nước sốt, hòa quyện với cơm dẻo, thơm, vị chua dịu của giấm gạo và bùi bùi của các loại rau củ làm nên sự độc đáo của món sushi.
Inarizushi là một món ăn rất giản dị và dễ làm mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
6. Sugatazushi Sushi gần như trở thành một món ăn truyền thống, đặc trưng của Nhật Bản và mỗi vùng lại hình thành nên một loại sushi riêng mang hương vị của chính vùng miền mình.
Sugatazushi là đặc trưng của tỉnh Kochi Nhật Bản.
Người dân tại Kochi đã sang tạo ra món Sugatazushi từ cá kamasu và đến nay món ăn này đã trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến. Cá kamasu sẽ để nguyên con, rửa sạch, lấy hết xương và nhồi cơm giấm có tẩm mè vào bụng cá. Sau đó, dùng mành bằng tre cuốn lại, để tạo hình cá như ban đầu.
Khi thưởng thức món Sugatazushi, thực khách sẽ ăn luôn phần cá và cơm trộn giấm bên trong để cảm nhận hết được vị ngon của món sushi.
7.Narezushi Được xem là khởi nguồn của Sushi, Narezushi là loại sushi có lịch sử lâu đời nhất và cũng là món sushi khó ăn nhất trong tất cả các loại sushi của Nhật. Lúc đầu Narezushi được xem như một cách bảo quản cá khi dùng muối, gạo để ủ cá sống cho lên men để giữ cho cá không bị hư trong một thời gian dài.
Narezushi ra đời từ phương pháp bảo quản hải sản của người Nhật
Về sau người dân vùng Shiga thấy nếu dùng món Narezushi khi đang lên men mang lại một mùi vị đặc trưng, rất khó người ăn được nhưng khi ăn thì vì ngọt của cá gần như vẫn còn nguyên vẹn mà không hề mất đi.
Khi dùng món Narezushi, mọi người luôn được khuyên uống cùng rượu Sake để làm tăng hương vị của món sushi.
Thưởng thức sushi Không như những món ăn khác, dù có rất nhiều loại sushi như vậy nhưng để thưởng thức được hết vị ngon của sushi Nhật Bản thì chỉ có một cách duy nhất. Đó là dùng sushi kèm với nước tương, wasabi và gừng ngâm chua.
Những lát gừng ngâm chua là gia vị không thể thiếu của món sushi
Gừng ngâm chua sẽ có tác dụng rửa sạch vị giác của bạn sau mỗi món sushi, nhờ thế bạn có thể thưởng thức nhiều loại sushi khác nhau vì vậy sau mỗi món sushi bạn nên ăn một vài lát gừng ngâm chua để không bị lẫn lộn hương vị cho món sushi tiếp theo.
Hãy ăn sushi đúng theo phong cách người Nhật Bản
Khi ăn bạn nên ăn cả miếng sushi đừng tách ra hay ăn từng phần vì như thế sẽ không cảm nhận được hết vị mằn mặn của nước tương, vị chua của giấm, sự cay nồng của wasabi, độ tươi của từng miếng hải sản và hương thơm dịu ngọt của cơm.
Có thể đũa hoặc ăn bằng tay nhưng hãy nhớ cho phần hải sản vào nước tương
Làm sushi là một nghệ thuật nhưng thưởng thức sushi cũng là một nghệ thuật bởi đó không phải chỉ là thưởng thức hương vị mà còn nhìn thật được vẻ đẹp trong cách bày trí sushi và còn là cách để hiểu về văn hóa Nhật Bản.
Trở thành đầu bếp sushi Để trở thành đầu bếp sushi, điều đầu tiên cần học hỏi chính là tìm hiểu nền văn hóa và lịch sử ẩn sau món sushi nói riêng và ẩm thực Nhật Bản nói chung. Bởi chỉ có như thế mới hiểu hết được ẩm thực Nhật Bản. Một đầu bếp sushi cần phải có kiến thức về mỗi loại nguyên liệu sushi, nắm vững cách sử dụng từng lại nguyên liệu. Như hải sản này gia vị này, đi kèm với loại nào và mùi vị sẽ ra sao. Và luôn phải thu thập, không ngừng trau dồi kiến thức ngay cả khi đã là một bậc thầy về sushi điều này cũng không ngừng lại.
Đầu bếp sushi đang chuẩn bị món ăn
Kỹ năng sử dụng dao, hiểu biết về nghệ thuật lên men bảo quản cá, khả năng xử lý và kiểm soát các tiêu chuẩn vệ sinh, các nghi thức chuẩn bị, hiểu biết về các món ăn phụ thích hợp nhất cho cá là năm kỹ năng quan trọng nhất của một đầu bếp sushi. Thông thường, mỗi người muốn trở thành đầu bếp sushi sẽ có một “sư phụ” riêng và ảnh hưởng khá nhiều phong cách của thầy. Điều này thể hiện sự tiếp nối truyền thống kế thừa của Nhật Bản, và học viên cũng sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn khi tiếp thu kinh nghiệm và vốn kiến thức thầy truyền lại.
Nếu muốn trở thành đầu bếp sushi thì hãy "tầm sư học đạo"
Trước đây nữ giới không được gia nhập vào hàng ngũ đầu bếp sushi của Nhật không phải vì trọng nam khinh nữ mà bởi người Nhật sợ sẽ làm mất đi những mùi vị vốn có của sushi nếu sushi làm ra từ những người phụ nữ. Thân nhiệt của người phụ nữ thường cao hơn nam giới vì thế bàn tay người nữ ấm hơn, trong khi thân nhiệt của cá thấp hơn người khá nhiều, có thể bị phỏng khi tiếp xúc, từ đó làm mất đi sự tươi ngon của miếng sushi.
Nữ giới luôn gặp khó khăn nếu muốn trở thành đầu bếp sushi
Có thể thấy rằng, trở thành một đầu bếp sushi không phải điều dễ dàng. Một người Nhật Bản trung bình mất từ 8 đến 10 năm để trở thành một đầu bếp sushi có nghề, còn lên đẳng cấp bậc thầy còn là cả một quá trình dài.
Những đầu bếp sushi luôn toát lên vẻ điềm đạm, từ tốn và sự tỉ mỉ
Vì thế, rất dễ nếu như bạn tìm ra một công thức, và thử chế biến thành một món sushi đơn giản, có vị. Nhưng muốn bước chân vào con đường đầu bếp sushi chuyên nghiệp và tạo nên danh tiếng, đó lại là chuyện khác. Bạn phải hội tụ thật nhiều yếu tố như tỉ mỉ, quyết tâm, kiên trì, khéo léo… và quan trọng nhất là phải yêu sushi.
Một nhà hàng sushi nổi tiếng tại Nhật Bản Jiro Ono Sushi, một nhà hàng sushi nhỏ với diện tích chỉ hơn 50 mét vuông nhưng lúc nào cũng luôn đông khách, thậm chí muốn đến đây ăn bạn phải đặt chỗ trước cả ba tháng bởi nơi đây chỉ phục vụ một món ăn duy nhất đó là sushi và được mệnh danh là nhà hàng sushi ngon nhất thế giới
Nhà hàng Jiro Ono Sushi
Bên trong nhà hàng Jiro Ono Sushi
Người chủ nhà hàng chính là ông Jiro Ono, nghệ sĩ sushi hàng đầu Nhật Bản với 70 năm làm việc với thực đơn chỉ là sushi.
Nghệ nhân Jiro Ono
Điều làm nên sự khác biệt của nhà hàng Iiro Ono Sushi chính là thực đơn. Có một chỗ ngồi trong nhà hàng nhưng không phải bạn muốn món sushi nào là có thể gọi bởi ngày hôm đó là mùa gì, có loại hải sản nào ngon thì sẽ phục vụ bạn tất cả những loại sushi từ hải sản đó.
Sushi tôm hay cá ngừ, cá hồi… đều không phải do bạn quyết định
Thêm vào đó, đầu bếp sẽ là người quyết định cho bạn bao nhiêu wasabi vào từng miếng sushi bởi đầu bếp là người hiểu rõ món ăn hơn bạn và họ cũng không đồng ý việc bạn phung phí wasabi.
Nghệ nhận Jiro Ono hướng dẫn đầu bếp làm sushi tại nhà hàng
Chỉ có đúng 10 chỗ ngồi cho thực khách đối diện với bàn đầu bếp, dĩ nhiên bạn sẽ có thể quan sát cả quá trình làm ra miếng sushi để hiểu hơn về món ăn này.
Nơi đây đã từng đón tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Obama
Mặt khác các đầu bếp sẽ có thể tập trung vào làm các món sushi mà không hề bị chi phối bởi khách hàng và giúp nhân viên quan sát từng khách hàng để phục vụ họ một cách tốt nhất. Chính việc chỉ phục vụ mỗi món sushi lặp đi lặp lại hàng ngày như nhau, đã mang đến cho những đầu bếp tại Jiro Ono Sushi đầy đủ các kỹ năng, kinh nghiệm nhỏ nhất và tạo ra các món sushi có chất lượng rất ổn định.
Một món ăn được yêu thích vượt ra khỏi biên giới một quốc gia hẳn sẽ phải biến đổi. Biết đâu trong tương lai Sushi còn đa dạng hơn nữa. Trong từng cuộn cơm nhỏ xinh ấy vẫn luôn chứa đựng một tinh thần Nhật Bản đậm nét biến món ăn trở thành biểu tượng đặc trưng của riêng Nhật Bản.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.univietravel.com là vi phạm bản quyền